Cho mượn, mất luôn đất

Ngày 16-3, phóng viên Báo Người Lao Động đã tìm về gia đình nhà bà Lê Thị Tích (92 tuổi, Mẹ liệt sĩ Đinh Văn Phú, hiện sinh sống tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Bà Tích cho biết do trí nhớ đã suy giảm rất nhiều sau hàng chục năm kiện tụng tranh chấp đất đai nên nay đã ủy quyền lại cho con gái để tiếp tục theo đuổi.

Theo bà Đinh Thị Thới (con gái thứ 4 của bà Tích), năm 1958, bà Tích và chồng có khai khoảng 1 ha đất tại căn cứ ấp 1, xã Phước Bửu (cũ), nay là xã Phước Thuận, canh tác được khoảng 5 năm có đóng thuế đầy đủ. Ít năm sau thì do chiến tranh, giặc càn quét nên gia đình bà và nhiều hộ khác phải dời đi.

Sau năm 1975, gia đình bà quay về đây sinh sống cùng con trai. Nhưng tại mảnh đất này, 3 người cháu của bà Tích chết vì bệnh sốt rét, gia đình phải chuyển về ấp Gò Cà để gần trạm xá. Cũng thời gian này, chồng bà Tích qua đời nên gia đình khủng hoảng.

Gia đình mẹ liệt sĩ nói lý do đưa 400 triệu đồng cho cán bộ Thanh tra Chính phủ - Ảnh 1.

Đã 92 tuổi, bà Tích không còn minh mẫn nhưng khi nghe con trao đổi về vụ kiện bà vẫn ngồi dậy lắng nghe

Năm 1980, bà Tích cho bà Huỳnh Thị Ý mượn đất để trồng hoa màu, có viết giấy tay khi nào bà Tích đòi sẽ phải trả lại. Sử dụng được 5 năm thì bà Ý chết nên cháu của bà là Trần Tấn Định sử dụng. Đến năm 1992 thì có người cải tạo đất nên gia đình bà Tích đã yêu cầu lấy lại thì được biết ông Định đã sang nhượng lại cho bà Lê Bạch Tuyết.

Gia đình bà Tích làm đơn khiếu nại đến UBND xã Phước Bửu, sau đó quay lại đất để canh tác nhưng ông Tăng Minh Hòa (con nuôi bà Tuyết) không cho sản xuất vì cho rằng đây là đất ông Hòa đã mua lại. Theo bà Thới thì thực tế ông Trần Tấn Định có xác nhận san nhượng cho bà Tuyết 40 m đất mặt tiền, phần còn lại ông Định xác nhận không san nhượng.

Sau nhiều lần gia đình yêu cầu giải quyết nhưng chưa được, thì năm 1995, UBND xã xác nhận không đồng ý cho bà Tích đăng ký kê khai đất, do đất đang tranh chấp cùng ông Tăng Minh Hòa, gia đình bà cũng không được canh tác, thay đổi hiện trạng chờ khi nào giải quyết xong mới đăng ký sử dụng.

Khoảng 8 năm sau đó, cả 2 bên không bên nào được canh tác, chính quyền cũng không giải quyết dứt điểm nên gia đình bà cất nhà tạm cho con ở. Đến năm 2002, địa phương yêu cầu tháo dỡ nhà thì gia đình bà mới vỡ lẽ đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho ông Tăng Minh Hòa từ năm 1998 với diện tích 2.000 m2 (trong đó có một phần diện tích đất tranh chấp). Sau đó, ông Hòa dùng giấy CNQSDĐ này để khởi kiện ra tòa.

"Mẹ và tôi chở nhau theo đuổi vụ kiện này từ hồi mẹ 65 tuổi, nay bà đã hơn 90 và không còn đi lại được nữa, lúc nhớ lúc quên. Đến nay tôi đã 67 tuổi và lại tiếp tục thay mẹ đi đòi lại đất cho gia đình, nhưng bao nhiêu năm qua chạy khắp nơi rồi kết quả không được gì"- bà Thới nghẹn lời.

Gia đình mẹ liệt sĩ nói lý do đưa 400 triệu đồng cho cán bộ Thanh tra Chính phủ - Ảnh 2.

Một phần khu đất tranh chấp giữa gia đình bà Tích và ông Hòa

Về lý do cấp giấy CNQSDĐ cho ông Hòa, tại văn bản số 799/TTr-XKT ngày 28/8/2006, Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trả lời đơn tố cáo của bà Tích cho rằng sau khi hòa giải không thành, đáng lẽ ban tư pháp xã Phước Bửu phải báo cáo với UBND xã Phước Bửu chuyển hồ sơ vụ việc đến UBND huyện Xuyên Mộc hoặc hướng dẫn công dân gửi đơn tranh chấp đến UBND huyện. Nhưng ban tư pháp xã Phước Bửu không thực hiện việc này mà lưu hồ sơ, khi tách xã thì hồ sơ vụ tranh chấp này cũng không được bàn giao cho xã Phước Thuận. Thời gian này, do không nhận được đơn từ phía bà Tích nên đã cấp GCNQSDĐ cho ông Hòa.

Sau 2 phiên tòa sơ thẩm vào phúc thẩm, gia đình bà Tích bị xử thua, buộc phải trả lại đất cho ông Hòa. Căn cứ vào các bản án tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, do gia đình bà Tích không cung cấp được các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với diện tích này nên không đủ điều kiện để được công nhận quyền sử dụng. Xét thấy, ông Hòa nhận chuyển nhượng diện tích khoảng 2.000 m2 đất từ ông Nguyễn Văn Sửu và bà Nguyễn Thị Lan, sau đó có sử dụng liên tục, ổn định và được cấp giấy CNQSDĐ đất, căn cứ vào các chứng cứ thì đủ cơ sở kết luận phần đất đang tranh chấp ông Hòa được quyền sử dụng.

Nhận 400 triệu đồng để giải quyết

Sau hàng chục năm, gia đình bà Tích chạy khắp nơi để gửi đơn tố cáo, đơn yêu cầu giải quyết nhưng không mang lại kết quả như mong đợi, thì năm 2016, do có người chỉ nên cháu bà Tích đã ra Hà Nội để tìm gặp ông Hoàng Đức Cần (cán bộ công tác tại Thanh tra Chính phủ) yêu cầu được giúp đỡ, cùng đi có ông Nguyễn Văn Xuân (chồng bà Thới). Theo ông Xuân, mặc dù không biết ông Cần làm việc gì tại Thanh tra Chính phủ, nhưng gia đình đã hết cách nên khi biết được thông tin thì mừng rỡ, cấp tốc mang hồ sơ, giấy tờ ra Hà Nội để tìm gặp ông Cần.

Theo gia đình, tại văn phòng ông Cần, gia đình ông trình bày hồ sơ, rồi ở lại Hà Nội 1 ngày. Ngày hôm sau, ông Cần yêu cầu phải có chi phí đi lại nên yêu cầu ông Xuân đưa 15.000 USD. Khi về, ông Xuân đi vay được số tiền đó nên nhờ con trai đưa ra giao tại phòng ông Cần.

Gia đình mẹ liệt sĩ nói lý do đưa 400 triệu đồng cho cán bộ Thanh tra Chính phủ - Ảnh 3.

Bà Đinh Thị Thới, con gái bà Tích, được mẹ ủy quyền liên quan đến vụ việc

Một thời gian sau, ông Cần gọi điện yêu cầu gửi thêm 100 triệu đồng để chi phí quà cáp nhưng gia đình không có tiền nên chỉ đồng ý gửi 50 triệu, có ra ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản ông Cần. Sau đó, ông Cần tiếp tục yêu cầu gửi thêm 50 triệu, nhưng thời điểm này gia đình chỉ còn 30 triệu nên chỉ gửi cho ông Cần 30 triệu.

Theo gia đình, sau khi nhận tiền, ông Cần hứa 1 năm sẽ giải quyết xong, trả đất lại cho gia đình. Nhưng sau đó không có động tĩnh gì, gia đình hỏi thì ông hứa thêm 1 năm nữa. Từ đó, gia đình nhiều lần điện thoại thì ông Cần không bốc máy, cũng không có công văn chỉ đạo hay giải quyết gì.

Do nóng lòng, sợ tiền mất mà việc cũng không được giải quyết nên thời gian gần đây, gia đình ông đã nhờ báo chí lên tiếng để đòi lại 400 triệu đồng. "mình chỉ muốn lấy lại tiền chứ cũng chưa làm đơn thưa gửi gì. Sau đó thì nhận được liên lạc từ văn phòng Thanh tra Chính phủ ra nhận lại tiền nên ngày hôm qua (15-3) con trai tôi đã nhận lại được 400 triệu đồng, đến nay nó vẫn đang ở Hà Nội, chuẩn bị về"- ông Xuân nói.

Bài, ảnh: Ngọc Giang